ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG
   

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

125 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 535

  • Tổng 5.976.603

Bác Hồ với những lần kỷ niệm sinh nhật

Xem với cỡ chữ : A- A A+

       Ngày 18/5/1946, trên trang nhất báo Cứu Quốc xuất bản tại Hà Nội có đăng một bài báo đặc biệt với tựa đề: “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”, bài báo đã chính thức thông báo ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngày 19/5/1890. Kể từ đó, mỗi dịp tháng 5 về, hàng triệu trái tim người Việt Nam và bạn bè trên khắp thế giới luôn bồi hồi, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam.

       Ngày 19/5/1946 là năm kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ lần đầu tiên, cũng là lần đầu tiên một hình thức mừng sinh nhật được tổ chức như để biểu thị khối đại đoàn kết của toàn dân, toàn quân quanh vị lãnh tụ của một quốc gia non trẻ đang đương đầu với những thử thách to lớn. Hôm đó, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu Thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh và các đại biểu Nam Bộ đến chúc thọ. Trong lời phát biểu đáp lại lòng kính mến của đồng bào, Bác nói: Thật ra, các bác ở đây làm to sinh nhật tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật thấy làm xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình. Chỉ vì một nhà báo nào đó biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm rộn đồng bào. Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc. Tôi xin hứa với đồng bào gắng sức làm việc, nhưng tôi hy vọng vào sự cộng tác chặt chẽ của đồng bào. Việc nước là lớn, không ai có thể làm một mình nổi. Tôi mong rằng ngày này năm sau các đồng bào sẽ làm cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cường thịnh hơn. Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến đồng bào nghèo khổ, hơn là hao phí cho tôi".
      Sinh nhật ngày 19/5/1947 là kỷ niệm không bao giờ quên đối với Bác. Trước sinh nhật Bác vài ngày, đồng chí Lộc (tên thật là Nguyễn Văn Ty) - người phục vụ nấu ăn cho Bác nhưng cũng là người đồng chí, người bạn thân thiết đã cùng Bác hoạt động ở Thái Lan, Trung Quốc rồi sau đó theo Bác trở về nước tham gia hoạt động cách mạng vừa mới qua đời bởi căn bệnh sốt rét ác tính. Sáng sớm ngày 19/5/1947, các đồng chí phục vụ đã mang một bó hoa rừng đến chúc mừng sinh nhật Bác. Nhận bó hoa rừng và những lời chúc mừng của các đồng chí phục vụ, Bác rất xúc động rơm rớm nước mắt: Bác cảm ơn các chú. Bác đề nghị dành bó hoa này cùng đến viếng mộ đồng chí Lộc.
       Ngày 19/5/1948, Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân đã gửi thư chúc mừng nhân sinh nhật Bác. Đáp lại những lời chúc mừng, Bác viết thư cảm ơn, có đoạn: "Đồng bào yêu mến chúc thọ tôi, tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lại lòng thân ái ấy? Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực, chịu khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn…".
       Ngày 19/5/1949, để trả lời một số cán bộ đề nghị tổ chức sinh nhật mình, Bác đã làm bài thơ “Không đề”: “Vì nước nên chưa nghĩ đến nhà;

Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già;
Chờ cho kháng chiến thành công đã;
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”.

       Năm 1950, gần đến ngày Bác tròn 60 tuổi, theo truyền thống đến tuổi lên lão, thường được tổ chức lễ mừng, lễ chúc. Ban Thường vụ Trung ương Đảng đề nghị Bác cho tổ chức lễ kỷ niệm mừng Bác 60 tuổi nhưng Bác không đồng ý.
        Ngày 19/5/1953, Bác thăm các cháu lớp mẫu giáo nhỏ tuổi, con em của các đồng chí cán bộ các cơ quan Trung ương; Bác còn chụp ảnh chung với cô giáo và các cháu.
        Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II năm 1963 khai mạc đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 73 ngày sinh của Bác. Trong kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí đề nghị Quốc hội trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam; biết tin, Bác nói: “Tôi vừa nhận được một tin tức làm tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để thưởng người có công huân, nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”; Bác nói tiếp: “Miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” và xứng đáng được tặng Huân chương cao quý nhất, vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”.
        Ngày 15/5/1965, Bác đi Thăm Trung Quốc. Ngày 18/5, khi biết các bạn Trung Quốc chuẩn bị chúc thọ nhân kỷ niệm ngày sinh của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với Nguyên soái Trung Quốc Diệp Kiếm Anh và cán bộ phụ trách nhà nghỉ: “Tôi sang đây vào dịp này là tránh việc chúc thọ ở trong nước. Vì vậy, tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ…”. Ngày 19/5, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm quê hương Khổng Tử, chiều cùng ngày Người đến thăm di tích Khổng Phủ, Khổng Miếu, Khổng Lâm, Người nói nhiều về quan niệm “lấy dân làm gốc” của Khổng Tử và Mạnh Tử.
Ngày 19/5/1968, sau khi tiếp thân mật các cán bộ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến chúc mừng sinh nhật, Bác tiếp tục sửa chữa và bổ sung tài liệu “Tuyệt đối bí mật” - bảo vật quốc gia. Tại lễ khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa III ngày 20/5/1968, sau khi nghe Thủ tướng đọc báo cáo và lời chúc thọ, Bác đã tặng lại bài thơ thế này”: “Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm
 

Vẫn vững hai vai việc nước nhà
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn
Tiến bước! Ta cùng con em ta".

        Dịp sinh nhật của Bác năm 1969, nào ai biết đó sinh nhật cuối cùng. Bác dành thời gian để xem và sửa lại Bản Di chúc. Bác tiếp chị Phan Thị Quyên, vợ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và chị Nguyễn Thị Châu cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên và Sinh viên Giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định. Bác gửi tặng tỉnh Nghệ An tấm ảnh chân dung có ghi phía dưới ảnh ''Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân''.
        Sự từ chối lễ nghi phiền phức của vị Chủ tịch nước, lãnh tụ tối cao của Ðảng trong dịp kỷ niệm ngày sinh của mình thể hiện sự khiêm tốn, giản dị, đó là bản chất của người công bộc, “đầy tớ” của Nhân dân. Nhân cách ấy, sự cao thượng ấy càng làm cho hình ảnh Bác Hồ trở nên cao đẹp và là tấm gương mẫu mực về đức tính khiêm tốn, giản dị là đạo lý cao đẹp của người Việt Nam.

Kim Cúc ( Sưu tầm)

Các tin khác