ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG
   

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

125 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 972

  • Tổng 5.977.040

TUYÊN HOÁ LÀM TỐT CÔNG TÁC CHĂM LO ĐỜI SỐNG CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tuyên Hóa là huyện miền núi nằm phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Bình, có tổng diện tích tự nhiên trên 112.869,39 ha, dân số trên 80.000 người; toàn huyện có 18 xã, 01 thị trấn, trong đó có 12 xã đặc biệt khó khăn và 05 xã, thị trấn có thôn đặc biệt khó khăn, 02 xã (Thanh Hóa, Lâm Hóa) có đồng bào dân tộc Chứt (chủ yếu là tộc người Mã Liềng) sống tập trung tại 04 bản (Bản Kè, bản Cáo, bản Chuối của xã Lâm Hóa; bản Cà Xen của xã Thanh Hóa) gồm 222 hộ với 825 khẩu. Đây là các địa bàn vùng cao, biên giới, nơi có địa hình chia cắt, hiểm trở, có thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là hạn hán, thiếu nước về mùa khô.

       Trong những năm qua, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh; cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các các cấp, các ngành và Nhân dân trên toàn huyện nên đời sống của đồng bào dân tộc Chứt cơ bản ổn định và từng bước được nâng lên, bà con biết trồng lúa nước, chăn nuôi và trồng rừng kinh tế... để nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống được quan tâm đầu tư. Người dân luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững; bà con dân tộc luôn có ý thức xây dựng cuộc sống gia đình, xây dựng tình đoàn kết gắn bó với cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội tại địa phương.
       Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm. Ban Chỉ đạo công tác Dân tộc thiểu số huyện do đồng chí Phó Bí thư Thường trực làm trưởng ban; các đồng chí Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy và Phó Chủ tịch UBND huyện làm phó trưởng ban, trưởng các ngành, đoàn thể và Bí thư Đảng bộ các xã Lâm Hóa, Thanh Hóa làm thành viên.
      UBND huyện đã chỉ đạo các xã triển khai và thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình, dự án; tuyên truyền vận động đồng bào tích cực tham gia lao động sản xuất, đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, tham gia xây dựng chính quyền, bảo vệ an ninh biên giới, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đồng bào, tạo vốn vay cho bà con phát triển sản xuất; bố trí nguồn vốn từ Chương trình 135 hỗ trợ phát triển sản xuất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/10/2016 và Quyết định số 3290/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Chứt ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2025”, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng quy định. Theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện đã cấp kinh phí trên 1,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước trên 1,5 tỷ đồng, ngân sách huyện hỗ trợ trên 76 triệu đồng hỗ trợ cho đồng bào phát triển chăn nuôi, sản xuất, dân đối ứng 347 triệu đồng.
        Đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, đầy đủ các loại giống, phân bón cho đồng bào sản xuất, trong năm 2020 huyện đã hỗ trợ trên 221 triệu đồng tiền cây giống; trên 282 triệu đồng tiền phân bón. Nhằm hỗ trợ cho bà con phát triển sản xuất, huyện còn tổ chức nhiều lớp tập huấn lao động sản xuất, đào tạo nghề cho bà con. Tiếp tục quy hoạch, phân bổ đất ở, đất sản xuất, giao rừng cho dân quản lý… Cơ sở hạ tầng khu vực đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm: phân bổ vốn cho 28 công trình với số tiền trên 11 tỷ đồng; duy tu bảo dưỡng 13 công trình với trên 840 triệu đồng; đường giao thông nông thôn nội vùng ở bản Cà Xen, bản Kè được đầu tư gần 02 tỷ đồng; lắp đặt hệ thống nước sạch cho đồng bào sử dụng; làm hệ thống điện thắp sáng đường quê, trang cấp các thiết bị cho các nhà sinh hoạt cộng đồng và xây dựng nhiều công trình phúc lợi khác...
       Công tác giáo dục được chú trọng, tổ chức tốt mô hình bán trú cho học sinh phổ thông tại Lâm Hóa. Các trường thực hiện nghiêm túc duy trì sỹ số và nâng cao chất lượng dạy học, đổi mới phương pháp dạy học sát với đối tượng là học sinh dân tộc. Huyện trích ngân sách và các nguồn khác đầu tư hơn 7 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa các phòng học, mua sắm trang thiết bị dạy học; hỗ trợ các chế độ cho học sinh với số tiền 1,7 tỷ đồng. Đã có học sinh là người dân tộc tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp về phục vụ trên địa bàn.
       Công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 được chú trọng đẩy mạnh, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào được quan tâm, các trạm y tế thường xuyên cử cán bộ về các bản để kịp thời thăm khám, cấp thuốc cho bà con; hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào dân tộc ăn, ở, sinh hoạt hợp vệ sinh; hướng dẫn sử dụng các loại thực phẩm đảm bảo an toàn. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm giúp đỡ đồng bào dân tộc vượt qua thiên tai, dịch bệnh sớm ổn định cuộc sống. Tiến hành chi trả hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cho 825 người đồng bào dân tộc với số tiền trên 627 triệu đồng. Trong năm không xẩy ra dịch bệnh và các trường hợp ngộ độc thực phẩm.
      Mặt trận, các đoàn thể cấp huyện đã làm tốt công tác phụ trách, giúp đỡ các bản dân tộc thiểu số. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ủy ban Mặt trận huyện trích quỹ Vì người nghèo, phối hợp với UBND xã Lâm Hóa, xã Thanh Hóa mua gạo nếp, thịt lợn hỗ trợ cho bà con dân tộc thiểu số vui tết, đón xuân Canh Tý năm 2020 với tổng số tiền gần 100 triệu đồng.
      Đời sống tinh thần của Nhân dân tiếp tục được quan tâm. Các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc được bảo tồn và phát huy như: Phong tục thờ cúng tổ tiên; thờ “Thần rừng”... Các hủ tục lạc hậu từng bước đã được xoá bỏ; bình đẳng giới từng bước được tạo lập giúp người dân nâng cao nhận thức, vươn lên phát huy vai trò của bản thân trong gia đình và xã hội. Tiếp tục triển khai Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”, chỉ đạo tổ chức 2 đám cưới “Theo nếp sống mới, không hôn nhân cận huyết thống, không tảo hôn” tại bản Cáo. Năm 2020, huyện đã phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông trao ti vi được tích hợp truyền hình số hóa mặt đất kết nối Internet và bộ đầu thu kỹ thuật số thu tín hiệu trực tiếp từ vệ tinh cho các hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc Chứt nhằm để người dân vừa nâng cao đời sống văn hóa, vừa kịp thời theo dõi, cập nhật thông tin thời sự, từ đó thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
       Mặc dù được quan tâm nhiều, nhưng nhìn chung đời sống bà con dân tộc đang gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Trình độ dân trí và mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào dân tộc còn thấp, nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ triệt để; khả năng canh tác, sản xuất phát triển kinh tế của các hộ gia đình còn hạn chế; tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước vẫn còn lớn... Tin tưởng rằng trong thời gian tiếp theo, với những cố gắng, nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân tộc ở Tuyên Hóa tiếp tục góp phần vào ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Mã Liềng ngày càng được cải thiện; nâng cao lòng tin của quần chúng Nhân dân đối với Đảng, góp phần vào việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa huyện nhà Tuyên Hóa phát triển đi lên.

Hồ Vũ Thường (HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện)

Các tin khác