ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG
   

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

125 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 1692

  • Tổng 6.079.495

Xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa làm tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Thanh Hóa là một xã biên giới vùng cao, nằm ở phía Tây của huyện Tuyên Hóa với diện tích đất tự nhiên là 13.247 ha; xã có 11 thôn, bản với tổng dân số là 1639 hộ, 6204 khẩu, trong đó đồng bào theo đạo Công giáo có 201 hộ, 858 khẩu sinh hoạt tại 02 giáo họ Đình Sơn và Thanh Lạng (thuộc giáo xứ Đá Nện), chiếm gần 14% dân số toàn xã. Trên địa bàn xã có 01 nhà thờ giáo họ, 01 linh mục phụ trách.

 

Nhận thức được công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, xã Thanh Hóa luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, coi công tác này là nhiệm vụ quan trọng trong quản lý các hoạt động tôn giáo ở địa phương; gắn công tác tôn giáo với nhiệm vụ trọng tâm theo phương châm "Công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng", “Công tác tôn giáo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị”; từ đó xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thôn, bản, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước như Nghị quyết số 24-NQ/TƯ ngày 16 tháng 10 năm 1990 của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị quyết số 25-NQ/TƯ ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy, khoá IX về công tác tôn giáo; Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và gần đây nhất là Nghị định 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo… Từ việc coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến về nhận thức, đề cao trách nhiệm và thống nhất hành động của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo trên địa bàn thời gian qua.
        Trong lãnh đạo điều hành, xã đã phân công 01 Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách công tác tôn giáo; lực lượng công an - quân sự; các tổ chức đoàn thể của Mặt trận là những mắt xích quan trọng trong việc nắm tình hình, đảm bảo an ninh, chính trị, tập hợp quần chúng giáo dân vào các tổ chức hội, vận động đồng bào có đạo sinh hoạt tôn giáo theo đúng pháp luật. Bằng nhiều hình thức tập hợp, xã đã xây dựng được lực lượng cốt cán trong vùng giáo với nhiều người là cán bộ chủ chốt các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị, trong đó có 01 ủy viên Uỷ ban Mặt trận xã, 01 trưởng thôn, nhiều chị là cán bộ là chi hội phụ nữ, công tác viên dân số kế hoạch hóa gia đình…. là người có đạo.
        Nhằm nâng cao khả năng quản lý, điều hành tại địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tôn giáo, hàng năm, xã đều cử nhiều lượt là cán bộ Đảng uỷ, UBND, các ban ngành đoàn thể và cán bộ công chức có liên quan tham gia các chương trình tập huấn, giáo dục pháp luật về tôn giáo và công tác tôn giáo do huyện, tỉnh tổ chức; từ đó tuyên truyền sâu rộng trong giáo dân thông qua các tổ chức hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh; Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên…để lồng ghép các nội dung, vận động giáo dân, chức việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, không để bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật, gây mất ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
       Bên cạch đó xã cũng quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với chức sắc, chức việc phụ trách hoạt động tôn giáo trên địa bàn thông qua các cuộc thăm hỏi nhân các dịp lễ trọng của Công giáo; chỉ đạo các đơn vị thôn, bản, các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường tiếp xúc, đối thoại với linh mục và Hội đồng mục vụ của các giáo họ trên địa bàn xã nhằm tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và giáo hội; tranh thủ vai trò của các vị chức sắc, chức việc để vận động giáo dân sinh hoạt tôn giáo ổn định, đúng pháp luật.
        Công tác quản lý các hoạt động tôn giáo liên quan đến đất đai, cơ sở thờ tự như hướng dẫn làm giấy chứng nhận QSD đất, cấp giấy phép xây dựng; đăng ký sinh hoạt tôn giáo… được quan tâm chỉ đạo thực hiện đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào có đạo; góp phần đưa các sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn xã hoạt động nền nếp, theo quy định của pháp luật.
        Song song với việc tuyên truyền, hướng các hoạt động tôn giáo trên địa bàn xã theo đúng pháp luật, chính quyền xã Thanh Hóa cũng tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong vùng giáo như phong trào “Người Công giáo yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “sống tốt đời đẹp đạo”; các phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, làm đường giao thông nông thôn thu hút đông đảo quần chúng tín đồ tham gia; xã cũng chú trọng phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, thực hiện có hiệu quả các chương trình xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào có đạo nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào tôn giáo. Chính từ trong các phong trào này, nhiều hộ gia đình giáo dân được công nhận là gia đình văn hóa (tính đến nay, trên địa bàn xã có 59 hộ gia đình giáo dân đạt gia đình văn hóa); xã cũng đã xây dựng thành công mô hình “Họ giáo bình yên” tại thôn 1 Bắc Sơn được bà con giáo dân đồng tình hưởng ứng; phát triển được nhiều nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi, thâm canh tăng năng suất góp phần nâng cao tổng sản lượng lương thực hàng năm; công tác trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc đã được bà con quan tâm chú trọng. Nhiều hộ gia đình mạnh dạn vay vốn để đầu tư vào việc trồng rừng đưa lại hiệu quả cao, góp phần xóa đói giảm nghèo…
        Có thể nói, từ sự nhận thức đúng đắn, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền xã đối với công tác tôn giáo và sự kết hợp đồng bộ các biện pháp trong quản lý các hoạt động tôn giáo ở địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân xã Thanh Hóa nói chung và một bộ phận đồng bào có đạo trên địa bàn xã nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực; bà con giáo dân ngày càng nâng cao nhận thức và tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; có ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật trong sinh hoạt tôn giáo ở địa phương; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội và tương thân tương ái, chung tay vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh; góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tạo điều kiện để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
        Để ghi nhận những kết quả trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo thời gian qua, năm 2013 tập thể Cán bộ, công chức xã Thanh Hóa đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong 8 năm thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo./.

 

Các tin khác