Hội Phụ nữ xã Mai Hóa làm tốt hoạt động nhận ủy thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Xác định hoạt động nhận ủy thác cho vay vốn tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, Hội phụ nữ (HPN) xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa luôn triển khai quản lý tốt nguồn vốn nhận ủy thác cho vay, thể hiện là kênh dẫn vốn ưu đãi hiệu quả, giúp cho hàng trăm hộ gia đình nghèo, hộ khó khăn được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hội viên Cao Thị Ái Vân thôn Tây Hóa.
Để triển khai, thực hiện tốt công tác quản lý vốn ủy thác, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, ngay từ đầu năm, HPN xã đã phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH huyện tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ Hội, Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) về công tác quản lý nguồn vốn vay; tuyên truyền sâu rộng về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đến hội viên và các tầng lớp Nhân dân tại địa phương. Đồng thời, HPN xã thường xuyên quan tâm tổ chức công tác kiểm tra, giám sát tại hoạt động tại các Tổ TK&VV về tình hình quản lý vốn cho vay, kiểm tra thực tế việc sử dụng vốn của các hộ vay.
Bà Mai Thị Phương, Chủ tịch Hội HPN xã Mai Hóa cho biết: Đến ngày 30/06/2023, HPN xã đang thực hiện ủy thác cho vay với 12 chương trình tín dụng, quản lý vốn tín dụng chính sách với tổng dư nợ trên 13,1 tỷ đồng, với 05 Tổ TK&VV, 162 hộ vay, không có nợ quá hạn, nợ xấu, không có lãi tồn động, chất lượng hoạt động của tổ TK&VV theo kết quả xếp loại đến 31/3/2024 PHN xã Mai Hóa có 5/5 tổ được chấm điểm xếp loại tốt. Về công tác huy động tiền gửi tiết kiệm qua Tổ, đến nay, hầu hết các Tổ TK&VV đã triển khai và thực hiện đúng quy trình, nhận tiền gửi của tổ viên với số tiền gần 380 triệu đồng, 98,58% số hộ vay vốn tham gia gửi tiết kiệm thông qua Tổ. Nhờ sự sát sao của cán bộ HPN xã cùng các Tổ trưởng Tổ TK&VV, nguồn vốn tín dụng ưu đãi được giải ngân đúng đối tượng, hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, phát triển các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tại địa phương. Điển hình như mô hình của chị Hà Thị Hiền ở thôn Tây Hóa xã Mai Hóa vay 100 triệu chương trình hộ mới thoát nghèo với mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản, đến nay tổng đàn bò lên đến 10 con, cho thu nhập của hộ gia đình từ 100 đến 130 triệu đồng/ năm; Cũng là mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản có hộ gia đình chị Cao Thị Ái Vân ở thôn Tây Hóa xã Mai Hóa vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo với số tiền 100 triệu đồng về đầu tư chăn nuôi bò 3B sinh sản, dự án đầu tư có hiệu quả và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho giao đình với tổng thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng/ năm...