ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp của huyện phát triển tương đối ổn định, năng suất cây trồng hàng năm đều tăng, chất lượng đàn gia súc, gia cầm ngày một nâng cao; cơ bản đảm bảo lương thực tại chổ; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Bước đầu đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như cao su, ngô, lạc, rừng trồng nguyên liệu,...; chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung trang trại, gia trại,...
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan nên sản xuất nông nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, phần lớn quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng sản phẩm thấp, chủ yếu xuất thô, chưa qua chế biến; chưa có sản phẩm hàng hóa có thương hiệu nổi bật nên hiệu quả và sức cạnh tranh kém; việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất chưa mạnh; hình thức tăng trưởng mới chỉ tạo ra khối lượng nhiều nhưng chất lượng, giá trị thấp; hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên chưa cao; đại đa số nông dân vẫn còn nghèo. Nguyên nhân chính là do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định và dễ bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, biến động của thị trường; hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẽo, thiếu tính ràng buộc, quy mô, phạm vi liên kết còn ở dạng mô hình.
Trước thực trạng trên, việc xây dựng “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” là hết sức cần thiết. Qua đó, xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, nhằm cải thiện đời sống nhân dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, từng bước thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng theo Quyết định số 1484/QĐ - UBND ngày 10/6/2014 của UBND tỉnh Quảng Bình.