ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG
   

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

125 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 1482

  • Tổng 5.818.202

Thương binh Lê Hữu Luật, chuyện bây giờ mới kể

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Một ngày giữa tháng 4 lịch sử chúng tôi về thôn Tam Đa, xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) với ý định tìm gặp cựu chiến binh, thương binh Lê Hữu Luật, để cùng ông ôn lại những tháng năm tuổi trẻ hào hùng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Con đường nhỏ rợp bóng cây mát rượi dẫn vào nhà ông vắng lặng khác thường, không còn thấy bóng dáng ông đi vào từ mảnh vườn sau nhà với khuôn rắn rỏi, cười tươi chào chúng tôi mỗi khi đến thăm. Vì tuổi già, sức yếu cộng với vết thương cũ tái phát ông đã ra đi ở tuổi 77 chỉ cách đây vài tháng. Ông không còn nữa, nhưng tấm gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm và những đóng góp to lớn của ông cho độc lập tự do của Tổ quốc thì vẫn còn mãi.

Sinh năm 1945 trong một gia đình nông dân tại xã Tiến Hoá (Huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình). Vừa tròn 19 tuổi, thanh niên Lê Hữu Luật viết đơn hăng hái  tình nguyện lên đường nhập ngũ, để lại sau lưng người vợ trẻ vừa mới cưới. Sau thời gian huấn luyện tân binh tại Tiểu đoàn 45, tỉnh đội Quảng Bình, ông  cùng 30 chiến sĩ cùng quê hương Quảng Bình viết đơn tình nguyện bằng máu xung phong vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Ông được bổ sung về Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 33(Bộ Tổng Tham Mưu) tiếp tục huấn luyện, học tập, nghiên cứu các loại vũ khí và chiến thuật đánh Mỹ.

Ngày 18 tháng 7 năm 1965 ông được lệnh cùng đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu. 75 ngày hành quân bộ ròng rã dọc dãy Trường Sơn, vào đến chiến trường Tây nguyên đơn vị ông chỉ có ba ngày vừa nghỉ ngơi vừa làm công tác chuẩn bị để tập kích vào đồn Chư Ho. Đây là trận đánh đầu tiên trong đời quân ngũ của ông, cũng là trận đánh đầu tiên của Trung đoàn 33. Trận này ông được giao nhiệm vụ đánh bộc phá, phá cửa mở cho bộ đội tấn công vào đồn. Với khối thuốc nổ 07 kg, lợi dụng đêm tối, sử dụng thành thạo, khéo léo các tư thế vận động trong chiến đấu ông lần lượt  vượt qua sự canh gác cẩn mật và các bãi mìn bố trí dày đặc của địch, dần tiếp cận hành rào kẻm gai ở vị trí xung yếu nhất, có khi cách lính gác chỉ vài sải tay mà địch không mảy may phát hiện. Sau hơn 6 giờ ẩn mình, đúng giờ “G” ông điểm hoả, bộc phá nổ hất tung hàng rào kẻm gai của địch, làm hiệu lệnh và mở đường cho bộ đội ta ào lên tấn công làm chủ đồn Chư Ho.

Không dừng lại ở đó chiến công nối tiếp chiến công, đơn vị ông được giao nhiệm vụ đánh chiếm cao điểm 18, căn cứ Chư Pông, với gần hai tháng giằng co với địch, bằng hàng chục trận đánh lớn, nhỏ khác nhau với chiến thuật “vây, lấn, tấn, diệt” ông đã  trực tiếp tiêu diệt 24 lính Mỹ. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu ông được Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 33 ba lần tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và ngày 01 tháng 02 năm 1966 được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam ngay tại chiến trường. 

Cuộc chiến ngày càng cam go, ác liệt và theo yêu cầu của trên ông và cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 33 chiến đấu hết chiến trường Tây Nguyên rồi đến chiến trường miền Đông Nam Bộ. Điển hình như trận đánh  ngày 20 tháng 9 năm 1968, Đại đội 3 do ông chỉ huy được lệnh phản công đánh chiếm căn cứ Bàu Tà Keeng, đơn vị ông đã tiêu diệt gọn 01 Đại đội Lính thuỷ đánh bộ Mỹ khi chúng mới đổ bộ xuống bằng trực thăng, riêng trận này, với khẩu súng Tiểu liên AK ông đã bắn rơi 02 chiếc Trực thăng Mỹ.

Càng đánh càng hăng, năm 1969 đơn vị ông lại được trên giao nhiệm vụ đánh chiếm chi khu Đức Thạnh (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu). Tiểu đội hoả lực được tăng cường 02 khẩu B40, 02 khẩu ĐKZ, 02 khẩu Cối 60 do ông chỉ huy được giao nhiệm vụ vào trước đánh hàng rào và bốt gác ngoài cùng của địch mở cửa dọn đường cho đơn vị tấn công. Do điều kiện  không thuận lợi, không đánh ngay mà  ông lệnh cho Tiểu đội ẩn nấp tiếp tục mật phục chịu đói, chịu khát để bám sát cứ điểm. Thời cơ đã đến, quan sát thấy thấy địch sơ hở, bọn sĩ quan Mỹ đang say sưa xem ca nhạc trong đồn. Với nhận định nếu quay về báo cáo chỉ huy xin chỉ thị tiếp theo thì thời cơ sẽ mất, ông đã mưu trí, quyết đoán ra lệnh cho Tiểu đội chuyển từ đánh phá hàng rào, bốt gác phía ngoài bằng cách đánh thẳng vào Trung tâm chỉ huy.  Do mất cảnh giác, địch không kịp kháng cự chỉ trong vòng 30 phút Tiểu đội hoả lực do ông chỉ huy ông đã tiêu diệt gọn một Tiểu đoàn Mỹ, Nguỵ trong đó có 47 sĩ quan và 03 cố vấn Mỹ. Sau trận đánh này Trung đoàn 33 đã được bộ Quốc Phòng điện trực tiếp biểu dương.

Đầu năm 1971 trên giao cho đơn vị ông đánh địch từ căn cứ Núi Đất đến Dầu Tiếng, sau khi nghiên cứu tình hình ông đã đề xuất lên chỉ huy của mình thay đổi phương án tác chiến từ đánh đối diện sang đánh phục kích độc lập. Sau nhiều ngày kiên nhẫn chờ đợi thời cơ cũng đã đến, địch hành quân lọt vào trận địa mai phục của Tiểu đoàn 2 do ông chỉ huy. Với cách đánh táo bạo, gan dạ khi xe đi đầu của địch chỉ cách đội hình chiến đấu 07 đến 10 mét ông mới ra lệnh nổ súng, trong trận này bộ đội ta đã đánh bại 02 Tiểu đoàn Mỹ, Nguỵ , phá huỷ toàn bộ 12 xe chiến đấu của địch, trong đó có 02 xe tăng  M41, thu 97 súng các loại. Với chiến công xuất sắc này Tiểu đoàn 2 được Bộ Quốc Phòng phong tặng đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.

Những trận đánh trên chỉ là số ít trong hàng trăm trận đánh lớn nhỏ mà ông và cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 33 tham gia trên chiến trường Tây Nguyên và Miền Đông Nam Bộ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 đơn vị ông vinh dự hiệp đồng với Quân đoàn 4 đánh mở đường cho các cánh quân tiến vào giải phóng thành phố Biên Hoà và Sài Gòn thống nhất đất nước.

Sau chiến thắng 30/4/1975 ông được điều động về Tỉnh đội Tây Ninh giữ chức vụ Trưởng ban Tác chiến, sau đó là Trưởng ban tác chiến Sư đoàn 5. Năm 1978 ông được chuyển qua làm cố vấn quân sự cho nước bạn Campuchia trên mặt trận 479, đến năm 1988 ông  về nghỉ hưu với quân hàm Trung tá.

10 năm liên tục trực tiếp cầm súng chiến đấu chống Mỹ, qua các cương vị khác nhau từ người chiến sĩ đến Tiểu đoàn trưởng và 08 năm làm chuyên gia Quân sự giúp nước bạn Campuchia ông đã 12 lần bị thương với thương tật 41%, là thương binh hạng ¾. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc ông đã từng được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn miền Nam, 03 lần được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, 03 Huân chương Giải phóng , 03 Huân chương chiến công, 03 Huân chương kháng chiến, 01 Huân chương Quân công, 01 huân chương chương vì  đã hoàn thành thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc tế và 06 Huy hiệu trong chiến đấu.

Trong khói hương trầm phảng phất, trước bàn thờ linh thiêng nhìn lên di ảnh của ông mà chúng tôi nghẹn lòng, tiếc nuối. Ông không còn nữa để được sống trong những ngày tháng 4 hào hùng của dân tộc, trong dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2022). Thật cảm phục trước tấm gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm, chiến đấu đến cùng và  những đóng góp to lớn của ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Thầm cảm ơn ông cùng với các thế hệ cha anh đi trước đã không tiếc máu xương, hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Cho các thế hệ mai sau được sống trong ấm no, phồn vinh, hạnh phúc./.                                            

                                                                                                                          Lương Việt Thắng

Các tin khác